Viên uống Colchicine Capel 1mg – Điều trị và phòng ngừa bệnh gout
Thành phần
Mỗi viên nén chứa:
- Thành phần hoạt chất: Colchicin: 1mg.
- Thành phần tá dược Saccharose, magne stearat, polyvidon, erythrosin (alumminium lake E127), lactose.
Chỉ định
- Cơn gút cấp.
- Phòng ngừa cơn gút cấp ở người bị bệnh gút mạn tính, nhất là khi bắt đầu liệu pháp bài acid uric niệu.
- Các cơn cấp khác của viêm khớp do vi tinh thể: vôi hóa sụn khớp và bệnh lắng đọng tinh thể Hydroxyapatite.
Dạng bào chế
Viên nén màu hồng, hình trụ, hơi lồi 2 mặt, 1 mặt có khắc “018”, mặt kia có khắc vạch. Viên nén có thể chia thành các liều bằng nhau.
Liều dùng và cách dùng
Cách dùng: Dùng đường uống.
Liều dùng:
- Cơn gút cấp
Liều dùng phải điều chỉnh dựa trên hiệu quả đạt được và mức độ dung nạp thuốc.
Colchicin đạt hiệu quả cao nhất khi điều trị sớm (tốt nhất trong vòng 12 giờ đầu đến 36 giờ sau khi khởi phát của cơn cấp) và liều thấp nên được sử dụng ưu tiên.
– Ngày 1: uống 3 viên x 1mg (chia ra sáng, trưa, tối mỗi lần 1 viên).
– Ngày 2 và 3: uống 2 viên x 1mg (sáng 1 viên và tối 1 viên).
– Ngày 4 và những ngày sau đó: uống 1 viên vào buổi tối.
Liều Colchicin tối đa cho một lần là 1 mg.
Liều 1 viên hay nửa viên nên được dùng rải ra trong ngày.
Liều 3mg đại diện cho liều không được vượt quá và chỉ dành cho trường hợp điều trị muộn cơn gút cấp trong duy nhất ngày đầu tiên.
- Bệnh nhân lớn tuổi (đặc biệt trên 75 tuổi) và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ gây độc (Xem phần cảnh báo và thận trọng khi sử dụng):
Trong ngày đầu tiên không nên dùng quá 2mg Colchicine (chia làm nhiều lần trong ngày).
Cần theo dõi sự xuất hiện các dấu hiệu bất dung nạp (đặc biệt là tiêu chảy) của Colchicinvà giảm liều nếu cần.
Giảm liều xuống 0.5mg colchicine (1/2 viên)/ngày trong trường hợp bị tiêu chảy.
- Phòng ngừa cơn gút cấp/các cơn cấp khác của viêm khớp tinh thể: 1 mg colchicin mỗi ngày.
Giảm liều xuống 0.5 mg colchicin (1/2 viên)/ngày trong trường hợp bị tiêu chảy.
- Bệnh nhân lớn tuổi (đặc biệt trên 75 tuổi) và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ gây độc (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi sử dụng):
Nên bắt đầu với liều 0.5 mg colchicin (1/2 viên)/ngày và điều chỉnh liều nếu cần tùy theo đáp ứng lâm sàng.
Chống chỉ định
- Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin < 30ml/phút).
- Suy gan nặng.
- Dùng đồng thời Macrolid (ngoại trừ spiramycin).
- Dùng đồng thời pristinamycin.
Cảnh báo và thận trọng
Không khuyến cáo dùng đồng thời với verapamil, cyclosporine, telaprevir, thuốc ức chế protease phối hợp với rotonavir, thuốc kháng nấm nhóm azol (itraconazol, ketoconazol, voriconazol, posaconazol) (xem phần Tương tác thuốc).
Thận trọng khi dùng:
Trước khi khởi đầu điều trị bằng colchicin:
Cần đánh giá độ thanh thải creatinin, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Cần xem xét các điều trị đồng thời có khả năng làm tổn thương chức năng gan/thận hoặc cũng có thể gây ra độc tính trên cơ/tủy xương. Ở bệnh nhân suy gan và/hoặc thận, trong tháng đầu tiên điều trị bằng colchicine, cần:
– Theo dõi công thức máu toàn phần và đếm tiểu cầu.
– Đánh giá lại độ thanh thải creatinin.
– Theo dõi sự xuất hiện của tiêu chảy, buồn nôn, nôn là những dấu hiệu sớm của quá liều. Khi điều trị kéo dài, cần theo dõi công thức máu. Khi chỉ định colchicine, cần hướng dẫn cho bệnh nhân:
– Các dấu hiệu đầu tiên của quá liều: tiêu chảy, buồn nôn, nôn và cần liên hệ ngay với bác sĩ khi có các triệu chứng này xảy ra.
– Tầm quan trọng của việc hiểu đúng liều lượng dùng thuốc.
– Cần thông báo cho cán bộ y tế về việc đang điều trị với colchicin trước khi được kê toa bất kỳ thuốc khác.
Cảnh báo đặc biệt:
Liên quan đến tá dược:
Do có chứa lactose, không nên dùng thuốc này ở bệnh nhân có vấn đề về di truyền hiếm gặp do không dung nạp galatose, thiếu men Lapp lactase hoặc hội chứng kém hấp thu glucose – galatose.
Do chứa sucrose, không nên dùng thuốc này cho bệnh nhân không dung nạp fructose, bệnh nhân bị hội chứng kém hấp thu glucose galaclose hoặc thiếu hụt sucrase isomaltase.
Phụ nữ có thai và cho con bú:
Phụ nữ có thai
Tránh dùng colchicin cho người mang thai.
Phụ nữ cho con bú
Colchicin đào thải qua sữa mẹ. Người ta chưa thấy trẻ bị ngộ độc qua đường sữa nhưng người mẹ có thể tránh làm nồng độ thuốc cao trong sữa bằng cách uống thuốc vào buổi tối trước khi ngủ và cho con bú sau 8 giờ.
Tác dụng đối với khả năng lái xe và vận hành máy móc
Cochicine Capel không có hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Tương tác thuốc với các thuốc khác và các loại tương tác khác
Chống chỉ định dùng đồng thời với:
Macrolid (telithromycin, azithromycin, clarithromycin, dirithromycin, erythromycin, josamycin, midecamycin, roxithromycin) do làm tăng tác dụng không mong muốn của colchicin và có thể gây tử vong.
Pristinamycin: làm tăng tác dụng không mong muốn của colchicine và có thể gây tử vong.
Không khuyến cáo kết hợp với:
Ciclosporin: Nguy cơ tăng tác dụng phụ thần kinh và tăng độc tính của Colchicine với nguy cơ quá liều do ức chế thải trừ colchicine do ciclosporin, đặc biệt ở bệnh nhân đang suy thận.
Verapamil: Nguy cơ tăng tác dụng phụ của Colchicine do tăng nồng độ colchicine trong huyết tương do verapamil.
Thuốc ức chế protease (tăng lên bởi ritonavir): Nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn của Colchicin, với khả năng gây tử vong.
Telaprevir: Nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn của colchicine do giảm chuyển hóa cochicine, đặc biệt ở bệnh nhân suy gan/thận.
Các chất ức chế mạnh CYP3A4: Nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn của colchicine do tăng nồng độ của colchicine trong huyết tương do chất ức chế.
Thận trọng khi kết hợp với:
Thuốc kháng vitamin K: Nguy cơ tăng tác dụng kháng vitamin K và nguy cơ chảy máu: Cần theo dõi liên tục INR. Cần điều chỉnh liều của thuốc kháng vitamin K trong thời gian điều trị với colchicine và cho tới 8 ngày sau khi ngừng điều trị.
Các ức chế HMG Co-A reductase (atorvastatin, fluvastatin, pravastatin, rosuvastatin, simvastatin): Nguy cơ tăng tác dụng không mong muốn trên cơ của các chất này, đặc biệt là tiêu cơ vâ. Cần theo dõi đáp ứng lâm sàng và các xét nghiệm sinh học, đặc biệt vào lúc bắt đầu kết hợp điều trị.
Tác dụng không mong muốn
Tần suất xảy ra các tác dụng không mong muốn được định nghĩa như sau: rất thường gặp (>= 1/10), thường gặp (>= 1/100 và <1/10), ít gặp (>=1/1000) và rất hiếm gặp (>=1/10000) kể cả các báo cáo riêng lẻ. Các trường hợp rất thường gặp và thường gặp luôn được mô tả trong các thử nghiệm lâm sàng. Các tác dụng không mong muốn hiếm gặp và rất hiếm gặp thì thường được ghi nhận trong các báo cáo tự phát trong quá trình lưu hành thuốc.
Tiêu hóa
Thường gặp: tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Đây là những dấu hiệu đầu tiên cảu quá liều. Cần giảm liều hoặc ngưng điều trị.
Cơ xương và mô liên kết
Ít gặp: bệnh lý thần kinh cơ, có thể hồi phụ nếu ngưng điều trị.
Rất hiếm gặp: các trường hợp tiêu cơ vân.
Huyết học và hệ bạch huyết
Ít gặp: giảm bạch cầu, giảm bạch cầu đa nhân trung tính, giảm tiểu cầu.
Rất hiếm gặp: trường hợp giảm huyết cầu toàn thể do nhiễm độc tủy xương đã được báo cáo ở bệnh nhân có nguy cơ dùng quá liều colchicine và/hoặc ở bệnh nhân đang điều trị có khả năng gây nhiễm độc tủy xương.
Da và các mô dưới da
Hiếm gặp: nổi mề đay và phát ban dạng sởi.
Cơ quan sinh sản và tuyến vú
Rất hiếm gặp: vô tinh trùng có thể hồi phụ khi ngừng điều trị.
Quá liều và xử trí
Ngộ độc hiếm khi xảy ra nhưng rất nghiêm trọng trong cả hai tình huống cố ý hoặc vô ý (cửa sổ điều trị hẹp và tương tác với các thuốc khác).
Triệu chứng
Thời gian ủ bệnh: 2-10 giờ (trì hoãn trong trường hợp kết hợp với thuốc ức chế nhu động dạ dày).
Rối loạn tiêu hóa: đau bụng lan tỏa, nôn mửa, tiêu chảy nhiều đôi khi có máu, đưa đến mất nước.
Rối loạn tim mạch: giảm huyết áp hoặc tình trạng sốc tim.
Rối loạn chức năng đa cơ quan: thường xảy ra vào ngày thứ 2 hoặc 3.
Rối loạn huyết học: giảm toàn thể huyết cầu do bất sản tủy xương (nguy cơ nhiễm trùng và/ hoặc xuất huyết).
Thường xuyên thở gấp.
Rụng tóc vào ngày thứ 10, bệnh lý thần kinh ngoại biên và hiếm gặp trường hợp SIADH (hội chứng tăng tiết ADH không phù hợp).
Các yếu tố tiên lượng xấu: tiến triển sự tăng bạch cầu thoáng qua nổi bật và PT < 20% trong 48 giờ đầu.
Độc tính thận cấp với chứng thiểu niệu và huyết niệu.
Kết quả không dự đoán trước: tử vong, thường ở ngày thứ 2 hoặc 3 do mất cân bằng nước điện giải, sốc nhiễm trùng hoặc ngừng hô hấp (liệt từ thấp lên cao) hoặc trụy tim mạch.
Cách xử trí
Trong trường hợp quá liều cấp tính vừa xảy ra, loại bỏ chất độc bằng than hoạt hoặc rửa dạ dày, tùy vào tình huống.
Trong mọi trường hợp, cần giám sát liên tục tình trạng lâm sàng và các xét nghiệm tại bệnh viện và điều trị triệu chứng thích hợp.
Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho colchicin.
Thẩm phân máu không có hiệu quả (thể tích phân bố biểu kiến lớn).
Cơ chế tác dụng của thuốc
Dược lực học
Nhóm trị liệu: Thuốc điều trị gút. Kháng viêm.
Mã ATC: M04AC01
Colchicin là một dẫn chất của phenanthren, lấy được từ cây Colchicum (cây Bả chó). Colchicin có tác dụng phòng ngừa và điều trị cơn gút cấp, các cơn cấp khác của viêm khớp do vi tinh thể do tác dụng chống viêm nhanh. Thuốc không có tác dụng đến sự bài tiết acid uric qua nước tiểu cũng như nồng độ urat. Tuy cơ chế tác dụng chống bệnh gút của colchicin chưa được biết đầy đủ, thuốc làm giảm đáp ứng viêm đối với lắng đọng các tinh thể mononatri urat lên các mô của khớp bằng cách ức chế hóa ứng động và di chuyển của các bạch cầu đa nhân trung tính. Thông qua cơ chế này, colchicin nhanh chóng tương tác với tubulin và ngăn chặn hoạt động các vi ống dẫn đến ức chế các bạch cầu trung tính gắn kết phân tử bám dính và dẫn đến tác dụng chống viêm ngay lập tức. Colchicin cũng có liên quan đến sự hình thành inamasone, một phức hợp protein có liên quan đến việc sản xuất các cytokin liên quan đến phản ứng viêm. Colchicin cũng cho thấy hiệu quả trên đợt gút cấp ở 90% bệnh nhân khi dùng thuốc ngay ngày đầu tiên với liều 3 mg (3 lần x 1 mg). Tuy nhiên, colchicin được coi là thuốc đứng hàng thứ hai vì dễ gây độc khi dùng liều cao. Vì vậy, có thể dùng thuốc để điều trị đợt gút cấp khi bệnh nhân không đáp ứng hoặc không dung nạp các thuốc chống viêm không steroid như indomethacin, ibuprofen, naproxen.
Tác dụng chống phân bào
Colchicin là một chất chống phân bào tác động đến sự phân chia tế bào ở giai đoạn giữa (metaphase) của quá trình phân chia tế bào bằng cách ngăn chặn sự polymer hóa của tubulin thành vi ống và dẫn đến chết tế bào.
Tác dụng khác
Colchicin có thể gây ra hội chứng kém hấp thu hồi phục vitamin B12, bằng cách thay đổi chức năng của niêm mạc hồi tràng. Colchicin ảnh hưởng đến hấp thu mỡ, natri, kali dẫn đến giảm nồng độ cholesterol và caroten huyết thanh. Colchicin làm giảm hoạt tính của lactic dehydrogenase và làm tăng hoạt tính enzym lysosom của niêm mạc ruột.
Cơ chế tác dụng:
Tác dụng chống bệnh gút: Colchicin làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế thực bào các vi tinh thể Urat và do đó làm giảm sự tạo thành Acid Lactic, giữ cho pH tại chỗ được bình thường vì pH toàn là yếu tố tạo điều kiện cho các tinh thể Urat kết tủa tại các mô ở khớp. Thuốc không ảnh hưởng đến nồng độ acid Uric trong máu và sự đào thải của Acid Uric qua nước tiểu.
Tác dụng chống viêm ở mức độ yếu, theo cơ chế không đặc hiệu: Colchicin làm giảm sự di chuyển của các bạch cầu, ức chế ứng động hóa học, chuyển hóa và chức năng của bạch cầu đa nhân nên làm giảm các phản ứng viêm.
Dược động học
Sau khi uống, colchicin được hấp thu nhanh chóng từ hỗng tràng và hồi tràng. Hấp thu đường uống rất thay đổi từ 24% đến 88% liều dùng, trung bình là 45%. Colchicin được hấp thu qua đường uống theo chu trình ruột gan.
Cơ chế đào thải qua P-glycoprotein (PGP). PGP vận chuyển colchicin từ tế bào ruột vào lòng ruột và một phần colchicin được chuyển hóa tại ruột qua CYP3A4 đã được mô tả, điều đó có thể giải thích sự khác nhau giữa các cá thể trong sự hấp thu colchicin.
Sau khi uống một liều duy nhất 1 mg, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 30 đến 90 phút, với Cmax 5,64 ± 1,37 ng/mL (khoảng: 4,00-7,58).
Trong một nghiên cứu đa liều (1 mg/ngày trong 15 ngày), trạng thái nồng độ ổn định đạt được vào ngày thứ 8 sau ngày đầu tiên dùng thuốc, với nồng độ từ 0,3-2,5 ng/mL.
Thể tích phân bố là 7-10 L/kg, cho thấy sự phân phối ở mô đáng kể. Nồng độ colchicin cao trong bạch cầu, thận, gan và lách. Nồng độ thấp trong cơ tim, cơ vân và phổi.
Thuốc gắn vào các mô, chủ yếu là niêm mạc ruột, gan, thận và lách, trừ cơ tim, cơ vân và phổi. Sự gắn kết của colchicin dẫn đến sự tích tụ tại mô ngay khi liều hàng ngày vượt quá 1 mg, và việc này có thể gây ra tác dụng độc hại.
Gắn kết với albumin ở mức độ vừa phải (40%). Colchicin được chuyển hóa thành hai chất chuyển hóa chính, 2-O-demethylcolchicin và 3-O-demethylcolchicin (2- DMC và 3-DMC), và một chất chuyển hóa phụ, 10-Odemethylcolchicin. Các nghiên cứu in vitro dùng vi tiểu thể gan người cho thấy CYP3A4 có liên quan đến sự chuyển hóa của colchicin thành 2-DMC và 3-DMC. Nồng độ các chất chuyển hóa trong huyết tương là rất nhỏ (thấp hơn 5% thuốc gốc).
Hơn 2/3 colchicin được đào thải qua phân (đường mật), và 15 đến 30% được bài tiết trong nước tiểu trong 24 giờ đầu tiên. Bài tiết qua thận phụ thuộc vào lọc cầu thận và bài tiết ở ống thận.
Thời gian bán hủy dao động từ 20 đến 40 giờ.
Colchicin không được loại bỏ bằng thẩm tách máu.
Lưu ý
- Không dùng thuốc quá hạn dùng ghi trên bao bì.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ không quá 30 độ C. Để xa tầm tay trẻ em.
Thông tin thêm
Nhà sản xuất: S.C.Zentiva S.A
Địa chỉ: B-dul Theodor Pallady nr.50, sector 3, Bucuresti, cod 032266, Romania.
Chủ sở hữu giấy phép lư hành: Laboratoires Mayoly Spindler – 6, avenue de I’Europe,78400 Chatou, Pháp.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.