Miếng dán hạ sốt cho trẻ có giá thành rẻ và sử dụng dễ dàng nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Miếng dán hạ sốt có thực sự giúp hạ sốt hay không và dùng như thế nào mới đúng?
Cách sử dụng miếng dán hạ số cho trẻ đúng cách
Miếng dán hạ sốt có chứa gì?
Thành phần chủ yếu của miếng dán hạ sốt là hydrogel – các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước nhưng có khả năng hút một lượng nước lớn ở vùng da được dán lên.
Miếng dán hạ sốt sẽ hấp thụ nhiệt và phân tán nhiệt ở vùng da được dán lên ra bên ngoài. Do đó, khi mới dán lên sẽ có cảm giác mát lạnh, giúp tạo cảm giác dễ chịu hơn.
Miếng dán hạ sốt giúp làm mát vùng da được dán
Miếng dán hạ sốt có thực sự giúp hạ sốt hay không?
Miếng dán hạ sốt có tác dụng làm mát vùng da được dán lên và hấp thụ nhiệt, phân tán nhiệt ở vùng da được dán ra bên ngoài. Tuy nhiên, khả năng làm mát của miếng dán không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng dán sẽ nhanh chóng trở lại nhiệt độ ban đầu.
Đặc biệt, do không chứa thuốc hạ sốt nên miếng dán loại này không có tác dụng hạ nhiệt cho toàn bộ cơ thể. Một số loại miếng dán hạ sốt có thêm tinh dầu, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt và chỉ dùng ngoài da nên khả năng hạ sốt cũng rất hạn chế.
Thực tế, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt cho trẻ em. Vì vậy, phụ huynh không nên chỉ dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt.
Do làn da của bé còn non nớt và khá nhạy cảm nên nhiều bé chịu các tác dụng phụ mà miếng dán gây ra như nổi mẩn đỏ, dị ứng, ngứa. Trong một vài trường hợp đặc biệt, bé có hệ hô hấp nhạy cảm khi hít phải tinh dầu có trong miếng dán sẽ bị hắt hơi liên tục, chảy nước mũi.